VỊ THẦY TRÊN HIMALAYA


Vị Thầy trên Himalaya

Sri Madhukarnath Ji
Apprenticed to a Himalayan Master - A Yogi's Autobiography
Tự thuật của một Yogi - Thanh Thiên dịch

Tính đến nay, có ít nhất ba quyển của các đệ tử viết về những vị thầy khác thường của Ấn Độ. Năm 1946 quyển Autobiography of a Yogi của Paramahansa Yogananda ra đời, có thể xem là quyển đầu tiên giới thiệu và làm thế giới tây phương chú ý tới một trong các nhân vật này. Trong sách, Yogananda nhắc tới một vị tạm gọi là Đại Sư Phụ mà ông cho tên Mahavatar Babaji, là Thầy của nhiều bậc đại sư trong đó có sư tổ, sư phụ của ông. Năm 1955 là quyển Living With The Himalya Masters của Sri Swami Rama, đã được PST giới thiệu trong bài Đọc Sách số 55.
Gần đây hơn, ta có Sri Madhukarnath (Sri M), sinh trong gia đình theo Hồi giáo tại Ấn Độ, nhưng đến năm 19 tuổi đi tìm thầy trên Himalaya, và tu học theo truyền thống xa xưa của Ấn. Năm 2010 ông viết Apprenticed to a Himalayan Master (A Yogi's Autobiography), rồi năm 2017 ra cuốn hai The Journey Continues. Điều thú vị ông ghi là vị Sư Phụ của thầy ông trong kiếp này của ông, cũng là vậy đối với ông trong kiếp vửa qua, được ông gọi là Sri Guru Babaji, và ngài không gì khác hơn là nhân vật Mahavatar Babaji trong sách của Yogananda. Người đọc có thể xem hình vẽ của ngài trong hai sách, để thấy quả thật hai tác giả nói về cùng một Vị mà đến nay, ngài có thể hơn 500 tuổi.
PST hân hoan cho đăng từ số này bài dịch hai quyển trên của Sri M, một phần để xác nhận sự kiện là các vị Thầy cao cả vẫn còn ở giữa nhân loại, và phần khác là củng cố niềm tin của chúng ta vào các ngài. Đó cũng là ý của Sri M khi ông ra sách. Sri M đi nói chuyện nhiều nơi, cũng như góp tiếng nhiều lần trên diễn đàn mà Hội Theosophy và chi bộ các nước tổ chức. Bạn có thể tìm thêm về ông trên internet và youtube.

Mở Đầu

Trước khi cùng bạn dấn mình vào cuộc phiêu lưu này, từ bờ biển phía nam Ấn Độ lên đến dãy Hy Mã Lạp Sơn cao ngất phủ đầy tuyết rồi vòng về, gặp gỡ nhiều nhân vật kỳ lạ, chia sẻ những kinh nghiệm lạ thường khó tin, tôi muốn nói vài lời để đặt mọi việc vào đúng chỗ của nó.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ kín trong lòng đa số các kinh nghiệm được viết trong sách này, không để cho ngay cả những bạn thân nhất khuyến dụ được tôi hé lộ gì hơn là lời ám chỉ về mức sâu tâm thức của tôi.
Tại sao tôi giữ kín những điều này như vậy ? Và sao bây giờ tôi mới nói về chúng ? Tôi sẽ trả lời như sau:
Thầy của tôi - Babaji - tuy nói xa xôi rằng tới lúc nào đó tôi sẽ viết cuốn tự thuật, nhưng mãi đến hai năm trước, đèn xanh báo hiệu mà tôi nghĩ sẽ được ngài bật lên, mới đến. Ngay cả sau đó, tôi cân nhắc nhiều trong hơn sáu tháng, rồi mới miễn cưỡng cầm bút để viết vì hai lý do chính dưới đây:
Một, tôi sợ rằng khi chìm đắm vào một chuyện tuyệt vời lạ lùng, người chí nguyện chân thành về mặt tinh thần, có thể bỏ sót mặt thực tiễn và cần thiết của con đường tinh thần.
Hai, với độc giả có óc nhận xét, khi đọc những phần có nội dung lạ thường không tin được, có thể cho rằng cả cuốn sách là chuyện bịa đặt.
Dù vậy, điều làm tôi quyết định viết cuốn tự thuật là các yếu tố sau:
Thứ nhất; tôi thấy chuyện của tôi là viết ra những gì mình đã kinh nghiệm, và để cho thiểu số độc giả đa nghi chấp nhận hay bác bỏ. Tôi cảm thấy mình sẽ không công bằng với đa số bạn đọc, khi ngần ngại không viết vì sợ thiểu số kia.
Thứ hai; quyển The Autobiography of a Yogi của Swami Yogananda ra đời rồi thì có rất ít sách hồi ký tinh thần chân thực xuất hiện, ngay cả tác giả của chúng cũng không còn sống trên thế gian để đối chứng. Lại nữa, dù hồi ký của Swami Yogananda chân thực đến đâu chăng nữa, cá nhân ông cũng không dành nhiều thì giờ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Vì vậy tôi nghĩ điều quan trọng là tôi phải thuật lại kinh nghiệm của mình ngay bây giờ, nhất là những kinh nghiệm ở Hy Mã Lạp Sơn, để tôi còn có thể gặp độc giả mặt đối mặt.
Thứ ba; tôi muốn chứng tỏ điểm là những bậc thầy cao cả như Babaji và Sri Guru ảnh hưởng dòng tiến hóa tinh thần một cách thầm lặng, ẩn đằng sau, và có rất ít người biết đến sự hiện hữu của các ngài.
Tôi xin bạn đọc hãy bỏ qua những phần có vẻ quá dị thường không thể có thực đối với bạn - nếu cần - và tiếp tục phần chuyện còn lại để không bỏ lỡ những điều dạy bảo cao cả của Babaji và Sri Guru. Về thầy của tôi, tôi chỉ có thể nói những gì mà Swami Vivekananda đã nói về thầy của chính mình: 'Một hạt bụi trên bàn chân đầy ân phước của ngài có thể tạo nên được cả ngàn Vivekananda.
Thay chữ 'M' cho chữ 'Vivekananda' và bạn sẽ hiểu tôi muốn gì.
Vậy, xin mời bạn theo tôi vào cuộc du hành tuyệt vời này, và cầu mong ân lành của Chân Sư đến với bạn.

1. Buổi Ban Đầu

Bốn mươi năm trước, một thanh niên mười chín tuổi từ Kerala, thành phố tận cùng miền nam Ấn Độ, tới đây, mê mải thiền định trong hang ở Vyasa trên Hy Mã Lạp Sơn, gần Badrinath sát vùng biên giới Ấn - Tây Tạng. Ngay cả vào thời đó, việc thanh niên trẻ rời nhà lên dãy núi lạnh lẽo để tham thiền là chuyện ít gặp. Điều làm sự việc càng như không tin được nữa, là chàng trai trẻ này lại còn không sinh ra trong gia đình theo Ấn giáo
Làm thế nào mà chàng trai này trở thành một nhà yogi; và một thế giới kỳ bí, lạ thường với quyền năng và sự cao cả không tưởng tượng được đã mở ra cho anh, là câu chuyện của đời tôi, vì người trai trẻ ấy chính là tôi vậy.
Nếu bạn cho phép, tôi xin bắt đầu ngay từ buổi ban sơ. Chúng ta sẽ cùng đi thật nhanh, đến chỗ tuyết phủ triền miên. Ở đó sống giữa các đỉnh băng đóng dày đặc của dãy Hy Mã Lạp Sơn là người bạn, là triết gia, là người hướng dẫn - vị thầy và sư phụ yêu quí nhất của tôi; nhờ lòng lành và ân phước của ngài, tôi đã học bay cao vào những cảnh tâm thức lớn lao hơn.
Không chữ nào có thể tả được hết sự tuyệt vời của những tâm thức này, nhưng ta lại chỉ có phương tiện duy nhất là từ ngữ. Vậy thì, bạn thân mến, chúng ta hãy bắt đầu cuộc du hành đi vào rừng sâu, trò chuyện về cảnh tượng đẹp đẽ, bông hoa tươi sáng nhẹ nhàng lả lơi, chim hót ngọt ngào, giòng sông cuồn cuộn trôi, cây cổ thụ cao ngất đứng lặng lẽ, cứ thế chúng ta đi tới khúc quẹo, rồi đột nhiên bắt gặp cảnh trắng xóa của dãy Hy Mã Lạp Sơn tuyết phủ, làm ta kinh ngạc không thốt nên lời. Chẳng phải nhà hiền triết xưa đã tán thán: 'Yad vaacha na abbhyuthitham': Sự uy dũng và rực rỡ mà ngay cả chữ cũng không thấu được.
Tôi cũng hăm hở như bạn để mang bạn tới đối mặt với Parvati, con gái duyên dáng của Himavan, Sơn Vương. Nhưng chúng ta cần thu góp hành trang cần thiết và sắp xếp trước khi lên núi. Tôi sẽ làm ngay để không mất thì giờ, và chỉ mang theo những gì tối cần mà thôi.
Tôi sinh ra ở Tiruvananthapuram, 'thành phố của Thần Vishnu ngủ trên lưng rắn Anantha', Anantha là tiếng Phạn có nghĩa là 'không có kết thúc, vô tận'. Trivandrum, tên mới của thành phố mà người Anh - cai trị Ấn Độ một trăm năm- đổi lại, là một thành phố ven biển và là thủ đô của tiểu bang Kerala, ở cuối vùng nam Ấn Độ. Vào năm 1948 Kerala giống như một ngôi làng phát triển quá mức với nhiều ngọn đồi, giòng sông và cây cỏ xanh biếc tràn lan.
Tôi sinh ngày 6 tháng 11 năm 1948 trong một gia đình di dân người Pathan, tổ tiên của tôi đến Kerala làm lính đánh thuê, sau đó gia nhập lực lượng của Tiểu Vương vùng Travancore, là vị Marthanda Varma đầy quyền lực.
Nói theo cách quen thuộc 'tay trắng làm nên' mà theo một nghĩa khác, đây là chuyện một cậu bé bình thường đã tới đỉnh của Hy Mã Lạp Sơn của việc mở rộng tâm thức, nhờ vào lòng chân thành, chú tâm vào mục đích, sẵn lòng chấp nhận rủi ro và không sẵn lòng chịu thất bại.
Lẽ tự nhiên, còn một yếu tố mà tôi cho là quan trọng nhất. Đó là sự hướng dẫn và ân phước của một tôn sư vĩ đại, với tình thương và sự yêu mến khôn lường, đã giúp tôi làm cuộc hành trình xuyên qua vùng mà phần lớn chưa được thăm dò; một vị thầy không hề giới hạn việc tự do đặt câu hỏi của tôi, không hề nắm tay tôi quá lâu để tôi đừng trở nên lười biếng phải tùy thuộc vào ngài, và tha thứ hết mọi khuyết điểm cùng những câu trả lời theo thói quen. Làm sao tôi có thể quên Vị cao cả đó - là cha, là mẹ, thầy và bạn thân thiết nhất, tất cả thành một người ?
Có phải vì lòng từ mà ngài vào đời tôi khi tôi chỉ mới chín tuổi, hay có mối liên hệ vượt qua bao kiếp người ? Việc này, tôi để bạn tự quyết định sau khi đọc chuyện xong.
Babaji (cha), là tiếng tôi gọi tôn sư, ngài thường nói:
– Hãy sống một cách đơn giản và thẳng thắn, đừng phô trương, sống như những người khác. Sự cao cả không bao giờ được quảng cáo, những ai đến gần nó sẽ tự họ khám phá ra. Hãy làm gương cho bạn bè và bằng hữu cách sống sao để giữ cho mình luôn được vui vẻ trên đời, đồng thời hãy giữ mình luôn hướng về các năng lực và sự huy hoàng của tâm thức.
Tôi không thể không kể cho bạn nghe chuyện gì đã xảy đến vào ngày định mệnh đó, khi sư phụ đi vào đời tôi, sáu tháng sau ngày sinh nhật thứ chín của tôi.

1. Từ khi mới ra đời, tôi đã có khuynh hướng gác tréo hai chân với nhau. Bạn sẽ thấy bộ dạng này trong tấm hình đầu tiên khi tôi vừa chào đời được hai tháng. Thói quen này vẫn tiếp tục, rồi khi lớn lên tôi mới thấy là cách ngồi xếp bằng từ xưa đến nay của các vị yogi là cách ngồi thoải mái nhất cho tôi. Ngay cả bây giờ bất cứ khi nào đến đâu tôi cũng đều ngồi xếp bằng trên ghế, nếu chủ nhà không tỏ vẻ khó chịụ.

2. Trong khoảng năm tuổi rưỡi đến mười tuổi, tôi luôn bị cơn ác mộng ám ảnh và chúng luôn giống nhau. Cứ giữa đêm là tôi thấy trong giấc mơ một hình dáng to lớn nửa người nửa ngợm, với răng nanh và móng vuốt sắc bén, nhìn giống như một vũ viên nam trong điệu múa cổ với quần áo đầy màu sắc của Ấn Độ (Kathakali dancer), kẻ này cứ tìm cách nắm bắt để đem tôi đi mất. Vẫn còn ngủ, tôi chạy ra khỏi nhà la toáng 'Tôi phải chạy tới đó', với con quái vật đuổi sát sau lưng.
Ba mẹ tôi thường chạy theo, nhưng chỉ có ba là người duy nhất có thể đánh thức tôi ra khỏi trạng thái ngủ mê đó, bằng cách hét thật to vào tai tên của tôi. Dù sao, chưa lần nào con quái vật này chộp được tôi.
Nhiều cách trừ bỏ ác mộng này được thử qua, ngay cả việc đeo lá bùa vào cổ, đều không có hiệu quả. Cuối cùng cơn ác mộng cũng chấm dứt sau khi tôi được gặp Sư phụ lần đầu. Trải qua rất nhiều năm tôi mới hiểu mình bỏ chạy vì cái gì, và muốn chạy tới đâu.

3. Bà ngoại tôi, người theo phái Sufi, kể những chuyện về Sufi mà tôi rất mê. Chuyện mà bà cũng như tôi thích nhất là chuyện về cuộc đời của một vị thánh Sufi, Peer Mohammed Sahib, sống cả trăm năm trước tại Tuckaley trong vương quốc gọi là Travancore. Giống như các vị thánh nổi tiếng khác như Banaras, Kabir Das, thánh Tuckaley Peer Mohammed Sahib cũng là thợ dệt vải. Khi làm việc với khung cửi, ngài thường hay hát những bài tỏ lòng thành kính và sự huyền diệu bằng tiếng Tamil. Những bài hát này gọi là 'Paadal' vẫn còn phổ thông trong các nhóm Sufi ở vùng Tamil Nadu. Lớn lên ngài bị mù và được một thiếu niên là đệ tử của ngài giúp đỡ, để dong ruổi đó đây
Một việc trong đời của vị thánh Sufi này, mà bà tôi hay kể tới kể lui và tôi vẫn thích nghe, xảy ra như sau. Khi biết có người đức hạnh cư ngụ ở miền nam Ấn Độ, hai nhà thần học Ả Rập tìm đến thăm. Họ thích tất cả mọi tánh hạnh nơi người này, trừ việc ông không tỏ vẻ muốn đi hành hương tới thánh địa Mecca, chuyện mà người Hồi giáo được kỳ vọng là sẽ thực hiện, như là bổn phận đối với tôn giáo của mình. Nhưng vị thánh Tuckaley không đi hành hương, nói rằng ngài bị mù không thể nào đi đến nơi xa xôi đó, nhất định bảo mình đã thấy cuộc hành hương, và rằng Mecca ở ngay chỗ ngài đang sống.
Đối với hai người Ả Rập này thì đây là lời phạm thánh, nên họ cho rằng ông điên khùng. Nhưng Peer Mohammed Sahib giữ vững lập trường. Ông kêu người đệ tử mang ra một chậu nước bằng đất nung, và bảo hai người khách nhìn vào; cả hai kẻ trước người sau thấy trọn cảnh tượng hành hương tới Mecca trong chậu nước, và lạ lùng xiết bao, thấy mình đi vòng quanh viên đá Kaaba cùng với vị thánh dệt vải mù này. Họ quì sụp ngay xuống chân ngài và trở thành đệ tử của ngài.
Gần với ngôi mộ của ngài là mộ của một người trong tổ tiên bên nội của tôi, là đệ tử của ngài.

4. Trong khoảng giữa năm tuổi và chín tuổi, tôi được biết về Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo. Dù còn nhỏ tuổi, tôi cũng bắt đầu nhận thấy người thuộc một tôn giáo có thành kiến ra sao với tôn giáo khác. Chẳng hạn bà ngoại tôi cao hứng say sưa nói về những vị thánh của Hồi giáo, nhưng lại chê bai Ấn giáo và các vị Thần của đạo này. Bà dặn tôi phải cẩn thận khi ăn các món trong nhà hàng xóm theo Ấn giáo, vì bà sợ thức ăn đã được cúng cho các Thần rồi, mà theo bà thì họ chẳng phải là thần thánh gì cả. Bà luôn nói rằng ai theo Ấn giáo là thờ ngẫu tượng, và tin rằng Hồi giáo là điều tốt đẹp và hay ho nhất đã đến với nhân loại. Người Hồi giáo tốt được bảo đảm là sẽ có một chỗ trên thiên đàng.
Tôi đi học tại trường giỏi dạy bằng Anh ngữ do các bà sơ trông coi. Ở đó tuy không ép buộc nhưng chúng tôi được khuyến khích làm dấu thánh giá, khi đi ngang qua nhà nguyện và hang Đức Mẹ Đồng Trinh, và được dạy nhiều bài thánh ca Công giáo. Tôi yêu mến hình ảnh Đức Jesus treo khắp nơi, như là người chăn chiên râu ria hiền từ, và tôi ngạc nhiên khi có sơ nói rằng Hồi giáo là đạo thờ mặt trời và Ấn giáo thờ ma quỷ.
Tất cả hàng xóm của tôi đều theo Ấn giáo, khi qua chơi nhà họ tôi lạ lùng thấy họ thờ rất nhiều thần. Tôi luôn thắc mắc tại sao một bà thuộc hàng Brahmin chính thống rất yêu quí tôi, và hay dúi kẹo bánh vào tay tôi, còn bà tôi thì cấm tôi ăn chúng. Và dĩ nhiên ngược lại thì hàng xóm Ấn giáo mong được nếm món cừu hầm (mouton biryani) mà mẹ tôi nấu, và đem biếu cho người Nair hàng xóm vào dịp lễ Ramzan và Bakri Id. Riêng tôi thì mong được ăn bánh idli, sambhar, và món chay truyền thống Malayali dọn ra trên lá chuối tươi.
Lần đầu tôi nhìn thấy nghi thức Ấn giáo, ngoài hình tượng và ảnh các thần ở bàn thờ nhỏ trong nhà hàng xóm, là một lễ kirtan đột nhiên có trên đường ngay trước cửa nhà tôi vào sáng ngày Chủ nhật. Tôi đang ngồi gần bếp ráng ráp lại mà không được, món đồ chơi tôi đã táy máy tháo ra để xem cách hoạt động của nó, thì có nhịp trống khơi động tâm hồn kèm theo tiếng chũm chọe (cymbal) tưng tưng, làm đầu óc tôi bị dao động hoàn toàn.
Thân để trần và chỉ mặc cái quần đùi, vứt đồ chơi qua một bên tôi chạy vội ra cổng, tim đập mạnh. Một cảnh tượng lạ đập vào mắt tôi. Có bốn người đàn ông trung niên vừa hát vừa nhảy múa giữa đường. Tất cả, trừ một người, quấn khố vàng quanh hạ bộ, người đàn ông còn lại với dáng cao, thon thả, mặt mày đẹp đẽ với bộ râu dài mượt, tóc dài đeo trên cổ vòng hoa trắng muốt, ông chỉ quấn mảnh vải mỏng mầu đất nung mỏng vừa đủ che bộ phận sinh dục còn thì cả thân hình đều trần trụi.
Cả bốn người đều đi chân đất. Một người đeo một cái trống dài nhỏ trên cổ, hai tay vỗ vào trống còn mắt nhắm nghiền thỉnh thoảng phát ra tràng cười say sưa. Người khác thì mê mải đánh vào cái chũm chọe nhỏ, đầu lắc lư qua lại bên này sang bên kia. Người thứ ba đi tới cửa từng nhà để nhận rau, trái cây, gạo và có khi tiền, được hàng xóm đứng đợi sẵn ở cổng nhà kính cẩn trao cho họ.
Người thứ tư, cao lớn, đẹp đẽ và có râu xem ra là kẻ đứng đầu nhóm. Ông dẫn đầu bài ca khi nhảy múa và hát: 'Hare Rama….Hare Rama…' theo nhịp đẹp đẽ của trống và chũm chọe, mắt nhắm nghiền với nước mắt chảy dài xuống má. Ông đang ở trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Vài người hàng xóm tiến đến gần rồi sụp lạy dưới chân ông.
Một niềm an lạc kỳ lạ tràn ngập lòng tôi, và tôi nhớ là mình cũng bắt đầu cười lớn. Rồi tôi chạy nhanh vào nhà lấy một đồng tiền mà không nhớ là bao nhiêu, chạy trở ra cửa đi băng qua đường, tới bỏ vào cái bị nhỏ mà ông cầm trên tay đựng vật cúng dường. Khi ấy nghe bà ngoại gọi, tôi vội quay trở về lòng áy náy nghĩ không chừng có lỗi, vì làm một việc mà lẽ ra không được làm, tôi ngoái đầu lại nhìn lần chót người lạ gần như trần trụi đang nhảy múa giữa đường. Ông mở mắt và hai chúng tôi nhìn nhau ngắn ngủi, trước khi tôi bước vào nhà.
Nhóm người tiếp tục đi. Tiếng nhạc chậm rãi nhỏ dần trả lại một sự tĩnh lặng lạ lùng. Bà tôi không hài lòng với việc tôi vừa làm, nhưng bà tha cho tôi sau lời răn dạy về tôn giáo. Nhiều năm sau tôi được biết người đàn ông say sưa ca hát mà tôi đã thấy là Swami Abhedananda, sống trong cái am không xa nhà tôi là bao. Khi ở trung học, tôi có nhiều lần trò chuyện vui thích với ông, mà sẽ được nói thêm về sau.

5. Trong khoảng thời gian này, chú của mẹ tôi, là nhiếp ảnh gia, dắt tôi đi xem lễ hội Aratu bên trong Thành Đông (East Fort). Thành cổ này do các Tiểu vương (Maharaja) xây quanh ngôi đền lớn của Anantha Padmanabha Swamy, là thần hộ mạng của họ. Như tôi có nhắc đến khi trước, tên nguyên thủy của thành phố Trivandum là Tiruvananthapuram, tên này lấy từ tên của vị thần này được mô tả là 'người mà hoa sen nở ra từ cuống rốn'.
Mỗi năm đền được chăng đèn kết hoa sáng rỡ, trọn thần thánh Ấn giáo được trưng bày to bằng người thật hoặc lớn hơn nữa, trang sức với y phục đầy màu sắc và châu ngọc. Lúc ngắm nhìn tháp Gopuram của ngôi đền cổ thì có gì đó khuấy động trong lòng tôi, và tôi cảm thấy có sự thôi thúc không cưỡng được muốn bước vào bên trong, cho dù lúc ấy đã sáu tuổi nhưng tôi chưa hề biết bên trong ngôi đền có gì. Chú của mẹ tôi bảo rằng chúng tôi không được phép vào trong, vì chúng tôi không theo Ấn giáo.
Tôi nhớ rõ là ông chỉ tay lên tấm biển trắng và đọc bằng tiếng Malayalam và Anh ngữ:
– Ai không theo Ấn giáo không được vào.
Sự khác biệt giữa hai cộng đồng đều là người như nhau làm cho tôi thắc mắc hết sức. Khi đó tôi không có sự lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận thua cuộc và quay về. Lúc ấy làm sao tôi biết được rằng theo thời gian và lớn dần, tôi sẽ thấy sự chia rẽ tệ hại trong cộng đồng mà kẻ cuồng tín vì tôn giáo gây ra giữa người với nhau, nhân danh tôn giáo ?
Để làm tôi vui lên, ông chú cho tôi một viên kẹo bạc hà rồi dắt tôi về cổng phía nam của tòa nhà Central Secretariat, cách đó bốn km. Ở đó, cách cổng vào không xa cho lắm, một người hơi mập với tóc muối tiêu và râu để dài, nét mặt thân thiện nằm trên ghế bố, thân để trần chỉ có xà rông quấn lại che phần dưới cơ thể. Ông nói giọng nhỏ nhẹ, bắt tay tôi và cho tôi kẹo. Ông bảo rất là vui khi thấy tôi mặc quần short màu đỏ.
Sau này tôi biết ông tên A.K. Gopalan, là cựu lãnh đạo của nhóm cộng sản, vào lúc đó tuyệt thực cho đến chết để phản đối lại chính phủ và Quốc hội. Ông chú của tôi là người nghiêng về cánh tả đã dắt tôi đi gặp người lãnh đạo cộng sản, là nhân vật ông rất trọng vọng. Có lẽ có cái gì đó lạ lùng nơi ông Gopalan, với đôi mắt hiền lành và cung cách nhẹ nhàng của ông, đã làm tôi thích đọc Karl Max và sách Das Capital trong những năm ở trung học.

6. Nói về huyền thuật, tôi nhớ rất rõ giây phút tuyệt vời mà tôi có vào buổi chiều ở sân sau nhà nhìn lên mây. Trong tưởng tượng, tôi thấy chúng như đỉnh núi tuyết đang chờ được khám phá. Mãi về sau khi nhìn thấy bức hình của ngọn Hy Mã Lạp Sơn trong một quyển sách để trên bàn phòng khách, tôi tự hỏi:
– Mình thấy nó hồi xưa trên mây ở vườn sau nhà, khi mới sáu tuổi hay sao ?
Để kết thúc chương này, đây là câu chuyện mà sư phụ kể khi tôi ngồi cạnh ngài ở một nơi yên tĩnh bên bờ sông Bhagirathi, chỗ nó uốn từ Hy Mã Lạp Sơn chảy xuống. Tôi nghĩ nói ở đây là đúng chỗ trước khi ta sang chặng kế trên con đường này, nhưng tôi muốn nhắc lại lời thầy:
– Hãy tự kết luận cho chuyện mà ta sẽ kể với con, nhưng đừng làm vội.
"Đằng sau ngôi đền nổi tiếng Badrinath, đền thờ linh thiêng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách mặt biển gần 4.000 m, có nhiều hang lớn, nhỏ nằm trên những tảng đá nhô ra từ vách núi gần như không sao lên tới được. Ngôi đền chỉ mở cửa cho khách hành hương vào những tháng hè. Trọn thời gian còn lại tuyết trắng phủ kín cả vùng. Ngay cả những giáo sĩ Namboodiri từ Kerala, người được giao việc hành lễ từ thời Shankaracharya (một vị thánh đã cho tu bổ lại ngôi đền cả trăm năm trước, và là người từ Kerala), cũng đi xuống làng Joshi Mutt và chờ mùa hành hương năm sau. Chỉ một số ít tu sĩ khác thường là tiếp tục sống và thiền định trong hang ngay giữa mùa đông.
(còn tiếp)